Đại hội Thành lập Hội chủ rừng Việt Nam

Ngày 9 tháng 11 năm 2016, tại Hà Nội, Ban vận động thành lập Hội Chủ rừng Việt Nam đã tổ chức Đại hội Thành lập Hội chủ rừng Việt Nam, với sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ dự án “Thúc đẩy thành lập và nâng cao năng lực của Hội Chủ rừng Việt Nam” của Trung tâm vì Con người và Rừng - RECOFTC, Tổng cục Lâm nghiệp và các tổ chức phi chính phủ khác. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn tham dự và phát biểu chào mừng tại Đại hội. Tham gia sự kiện này còn có trên 200 Hội viên Hội chủ rừng Việt Nam từ Sơn La, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hải Dương, Nghệ An, Quảng Trị cùng đại biểu từ các tỉnh thành và các phóng viên báo chí. 

Thứ trưởng Hà Công Tuấn đến tham dự và tặng hoa Đại hội

Hiện nay, các chủ rừng ở Việt Nam bao gồm khoảng 1,5 triệu hộ gia đình, 10.006 cộng đồng dân cư thôn bản được giao rừng; 164 Ban quản lý khu rừng đặc dụng; 229 Ban quản lý rừng phòng hộ và 139 Công ty Lâm nghiệp. Theo ông Hứa Đức Nhị, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng Ban vận động thành lập Hội Chủ rừng Việt Nam thì phần lớn chủ rừng là các hộ gia đình, cá nhân nhỏ lẻ, phân tán; quyền hạn và lợi ích của các chủ rừng thường chưa được tôn trọng hoặc khó thực hiện; chưa tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình; thiếu kiến thức và kỹ năng làm rừng; chưa có sự liên kết để hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Các chủ rừng là các tổ chức cũng gặp nhiều khó khăn do những chính sách, cơ chế chưa phù hợp; hiệu quả quản lý rừng và kinh doanh còn hạn chế… 

Nhiều đại biểu là người dân tộc thiểu số đã về đây tham dự Đại hội

Trong bối cảnh đó, những người tâm huyết với rừng đã có sáng kiến đề xuất thành lập Hội Chủ rừng Việt Nam. Theo đó, Ban vận động thành lập Hội Chủ rừng Việt Nam với 21 thành viên đã được Bộ NN&PTNT công nhận theo Quyết định số 2031/BNN ngày 2/6/2015. Từ tháng 5/2016 đến nay, Ban vận động thành lập Hội đã khẩn trương vận động được hơn 200 hội viên thành lập hội. Sau gần 5 tháng nộp Hồ sơ xin phép thành lập hội, ngày 22/8/2016, Bộ Nội vụ đã có Quyết định số 2905/QĐ-BNV về việc cho phép thành lập Hội Chủ rừng Việt Nam. Hội là tổ chức xã hội – nghề nghiệp của các chủ rừng thuộc mọi thành phần kinh tế trong cả nước tự nguyện thành lập, nhằm mục đích tập hợp, liên kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong quản trị rừng, trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ rừng; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên theo quy định của pháp luật, góp phần vào việc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Đại biểu tham gia đóng góp ý kiến cho Dự thảo Điều lệ của Hội

Phát biểu tại Đại hội, Thứ trưởng Hà Công Tuấn đề nghị hoạt động của Hội Chủ rừng Việt Nam cần thể hiện được vai trò liên kết, gắn bó, tương trợ giữa các hội viên, đồng thời cần gắn với chương trình phát triển lâm nghiệp đến năm 2020. Để Hội phát huy được vai trò và có những hoạt động thiết thực, Ban chấp hành Hội cần tiếp tục củng cố tổ chức Hội và nâng cao năng lực cho hội viên, tăng cường kiến thức để các chủ rừng địa phương hiểu rõ về tôn chỉ mục đích của hội và vận động các chủ rừng tự nguyện tham gia. Việc nâng cao năng lực của Hội viên cần chú trọng tiếp cận sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi giá trị, công nghệ và kỹ thuật cũng như năng lực quản lý, tổ chức sản xuất… Bên cạnh đó, hình thành các trung tâm tư vấn, hỗ trợ pháp luật và trung tâm cung ứng dịch vụ cho Hội viên. 

Ông Lê Biên Hòa - Đại biểu từ Quảng Trị giới thiệu mô hình thành công của Chi cục Lâm nghiệp Quảng Trị

Cũng tại Đại hội, ông Lê Biên Hòa – một chủ rừng từ tỉnh Quảng Trị đã giới thiệu mô hình thành công của Chi cục Lâm nghiệp Quảng trị trong liên kết các chủ rừng và tham gia làm chứng chỉ rừng (viết tắt là FSC). Khởi đầu từ 2007, đến tháng 10/2009, Hội chứng chỉ rừng Quảng Trị đã được cấp chứng chỉ rừng. Hiện nay, Hội có 520 thành viên với 1800 ha rừng và đã nhiều lần bán sản phẩm ra thị trường. Được đánh giá là một dự án đầu tư kỹ thuật thành công cho các chủ rừng, mô hình của Quảng Trị đã nâng cao thu nhập kinh tế trên một đơn vị diện tích từ 2 đến 3 lần so với trồng gỗ dăm (Gỗ có chứng chỉ có giá cao hơn gỗ không có chứng chỉ). Bên cạnh đó, dự án cũng góp phần quan trọng bảo vệ môi trường: tăng độ che phủ thời gian dài cho đất, giữ độ ẩm, cung cấp nước ngầm cho các hồ thủy lợi và thủy điện… Sau khi thảo luận các văn kiện trình Đại hội, Đại hội đã thông qua Dự thảo Điều lệ Hội Chủ rừng Việt Nam, Chương trình hoạt động của Hội nhiệm kỳ I, giai đoạn 2016 – 2021. 

Nhà tài trợ trực tiếp trao đổi với các chủ rừng

Đại hội đã bầu ra các cơ quan lãnh đạo Hội Chủ rừng Việt Nam nhiệm kỳ I (2016 – 2021) bao gồm: Ban chấp hành Hội Chủ rừng Việt Nam khóa I gồm 27 thành viên. Đồng thời, tại kỳ họp thứ nhất, Ban Chấp hành cũng đã bầu ra Ban Thường vụ gồm 9 thành viên và Ban Kiểm tra. Chủ tịch Hội là ông Hứa Đức Nhị cùng 03 Phó Chủ tịch, trong đó có ông Lê Khắc Côi là phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Chủ rừng Việt Nam.

Các thành viên trong Ban chấp hành Hội chủ rừng Việt Nam khóa I