RECOFTC Việt Nam
Câu chuyện

Chuyển đổi sinh kế bền vững của cộng đồng địa phương ở Hà Tĩnh, Việt Nam

01 November 2015
Jephraim Oro
Chuyển đổi tập quán sinh kế của người dân sống gần rừng là một việc làm không dễ, đặc biệt là khi các tập quán sinh kế đã được bà con duy trì trong nhiều năm. Câu chuyện thay đổi dưới đây của Jephraim Oro kể về hành trình chuyển đổi tập quán lấy mật ong rừng thành tập quán bền vững hơn đối với rừng của ông Lê Văn Định ở Hà Tĩnh, Việt Nam. Để làm được điều này, ông Định đã trải qua quá trình từ học tập mở mang kiến thức cho bản thân đến việc mang những kiến thức đã học nâng cao kiến thức bà con và hỗ trợ cộng đồng địa phương chủ động tạo ra những thay đổi và tham gia vào các quá trình ra quyết sách về lâm nghiệp.

Stories of Change

Cách đây vài năm, khi đi bộ dọc theo một vạt rừng, ông Định ngửi thấy mùi ngai ngái của những cây rừng và cỏ mới đốt. Lại gần hơn, ông thấy khói nghi ngút vẫn còn bốc lên từ các đống tro. Ông tự hỏi, người ta đang làm gì vậy.

"Tôi muốn giúp các cộng đồng địa phương nâng cao thu nhập và thoát nghèo. Nhưng điều gì đang xảy ra ở đây vậy?"

Các vệt rừng cháy là hậu quả của việc bà con đốt lửa hun khói đuổi ong rừng ra khỏi tổ để lấy mật ong, tăng thu nhập. Với vai trò là Giám đốc Trung tâm Phát triển Cộng đồng ở Hà Tĩnh (HCCD), một tổ chức phi chính phủ tại Hà Tĩnh nhằm mục tiêu giảm nghèo và thúc đẩy phát triển cộng đồng, ông Định hiểu rằng dân làng đang tìm cách tăng sản lượng mật ong mà không hề biết rằng cách làm này chưa đem lại hiệu quả bền vững.

Các vạt rừng cháy đã thôi thúc ông Định tìm kiếm các phương thức làm khác cho bà con. Ông nhận ra rằng các nguồn sinh kế của dân làng không nên chỉ tập trung vào việc tạo thu nhập và lợi nhuận, mà còn là cách sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên sẵn có.

Tuy nhiên, ông hiểu rằng dân làng luôn quan tâm hơn đến sản lượng mật ong và vấn đề tăng thu nhập thay vì bảo vệ nguồn tài nguyên tự nhiên làm sao để từ đó mang lại nguồn sinh kế bền vững. Dù trước đó ông đã làm việc với người dân, khuyến khích họ chuyển sang nuôi ong lấy mật nhưng những gì đã chứng kiến mách bảo rằng người dân đang tiếp tục vào rừng tìm kiếm ong rừng. Từ các báo cáo của dân làng, ông biết, người dân cũng đốn cây trái phép.

ToT Da Lat
Ông Định tham gia khóa tập huấn về đo đạc sinh khối của RECOFTC tại Đà Lạt

Ông tiếp tục phát tài liệu về phương pháp nuôi ong bền vững, đồng thời tổ chức các buổi hội thảo cộng đồng. Ban đầu ông chưa thấy tự tin về những kiến thức mình mang đến cho người dân. Dần dần ông nhận ra rằng nếu ông không tự tin về kiến thức của mình, ông không thể thay đổi tập quán của dân làng.

Năm 2012, ông được mời tham gia khóa tập huấn của RECOFTC. Ông chấp nhận lời mời, với ý nghĩ rằng khóa tập huấn có thể sẽ cải thiện hiểu biết của ông và các nhân viên của HCCD và trang bị tốt hơn về kỹ năng tư vấn quản lý rừng bền vững. Sau vài khóa tập huấn, ông tiếp cận và hiểu hơn về biến đổi khí hậu và các phương pháp tiếp cận hiệu quả trong tập huấn. Ông quay lại làm việc với cộng đồng, tiếp tục nỗ lực với mục tiêu thay đổi tập quán của dân làng mà ông ấp ủ bấy lâu. Ông bắt đầu mở rộng vòng mục tiêu, tiếp cận các Đoàn Thanh Niên, giáo viên tiểu học, trung học, thành viên các Hội Phụ nữ và Nông dân.

“Nuôi ong bền vững không chỉ cải thiện thu nhập, mà còn bảo vệ rừng và tăng cường sự đa dạng của cây rừng”, ông giải thích trong một buổi tập huấn. “Nhưng ong của chúng tôi giờ đều là ong nuôi. Chúng không sống trong rừng nữa”, một người dân trả lời.

“Dù ong rừng đã được bà con nuôi dưỡng, chăm sóc và trở thành ong nuôi, loài ong vẫn cần mật hoa và phấn hoa do cây rừng mang lại. Nếu các cánh rừng được bảo vệ xanh tươi, các cây rừng sẽ là nguồn thực phẩm đa dạng cho ong. Khi ong của bà con được nuôi dưỡng bằng mật và phấn từ nhiều loài hoa rừng và lá cây, chất lượng mật ong sẽ rất cao, và điều đó sẽ khiến người tiêu dùng mật ong hài lòng. Bà con có thể bán mật ong với giá cao hơn”.

Bà con tham gia hội thảo lắng nghe và bắt đầu tỏ rõ mối quan tâm.

Ông Định giảng giải “Nếu rừng bị chặt hạ hoặc bị phá hủy, rừng sẽ không còn đủ nguồn thức ăn cho ong, do đó sản lượng mật ong cũng bị suy giảm. Với tình huống này, bà con sẽ phải dùng đường làm thức ăn cho ong. Việc nuôi ong bằng đường một mặt rất đắt đỏ, mặt khác chất lượng mật ong sẽ bị ảnh hưởng xấu, không thể đáp ứng nhu cầu của lượng khách hàng ngày càng tăng. Bên cạnh đó, giá mật ong cũng sẽ bị thuyên giảm”.

Ông kết luận, “Khi chúng ta bảo vệ rừng, chúng ta không chỉ bảo vệ nguồn thức ăn cho ong mà còn khai thác được các sản phẩm ngoài gỗ để tăng thu nhập”.

Tuy nhiên, trong các hội thảo tập huấn, ông không bao giờ đề cập đến vấn đề biến đổi khí hậu hay mối tương quan của vấn đề này với quản lý rừng bền vững và sinh kế, bởi ông cho rằng ông chưa nắm chắc các khái niệm. Từ năm 2013-2015, ông tham gia các khóa tập huấn của RECOFTC về lâm nghiệp cộng đồng, REDD+, quản lý xung đột và sinh kế và phát triển thị trường. Từ đó, ông cảm thấy tự tin hơn. Ông bắt tay tham gia tập huấn cho cán bộ bảo vệ rừng Vườn Quốc gia Vũ Quang. Tuy vậy, người học chưa tin tưởng thực sự vào khả năng của ông, các cán bộ được mời không tham gia tập huấn với lí do bận công tác.

Hiểu rõ vai trò quan trọng của các cán bộ bảo vệ rừng khi làm việc với người dân địa phương trong quản lý rừng, ông nghĩ ông không thể dễ dàng bỏ cuộc như vậy. Ông quyết định thay đổi chiến lược và tiếp cận hai cán bộ tuyên truyền của Vườn Quốc gia Vũ Quang. Cuối cùng hai cán bộ này đã bị ông thuyết phục tham gia vào hội thảo tập huấn về REDD+.

Sau khóa tập huấn, chị Trần Thị Thùy Dương, cán bộ tuyên truyền của Vườn Quốc gia Vũ Quang nhận thấy “Trước đó, tôi không hiểu REDD+ là gì và chỉ biết một chút cơ bản về biến đổi khí hậu. Nhưng bây giờ, tôi hiểu rõ hơn về mối liên hệ giữa con người, rừng và biến đổi khí hậu. Tôi rất ấn tượng với các phương pháp tập huấn này”.

Kết quả là, chị Dương đã làm đề xuất với Giám đốc Vườn Quốc gia Vũ Quang để tất cả các cán bộ bảo vệ rừng được tham gia tập huấn. Không lâu sau đó, 30 cán bộ bảo vệ rừng thường xuyên làm việc với dân làng của Vườn Quốc gia Vũ Quang đã được ông Định tập huấn.

Qua các năm, các khóa tập huấn của Định đã xây dựng được một nhóm cộng đồng chuyên hỗ trợ người dân địa phương trong phát triển sinh kế bền vững và trang bị cho các các bộ bảo vệ rừng những thông tin cần thiết về biến đổi khí hậu, REDD+ và các phương pháp có sự tham gia để tương tác và làm việc hiệu quả với bà con dân làng.

Ba thành viên Hội liên hiệp phụ nữ và Hội Nông dân được tập huấn giờ đã tự tin với kiến thức được học và chủ động chia sẻ với hàng xóm, bà con. Chính sự trưởng thành, những kiến thức và kỹ năng cập nhật đã thu thập được là nền tảng để ông Định được tin tưởng bầu làm thành viên Mạng lưới REDD+ Việt Nam, Nhóm truyền thông UNREDD và Chương chình giảm thiểu thiên tai của nhà nước. Trên hết, các nỗ lực của ông đã trang bị tri thức đầy đủ hơn cho nhiều cộng đồng, để người dân được đặt vào vị thế chủ động trong bảo vệ và khai thác rừng bền vững.

Tâm huyết của ông đã tạo ra một nền tảng cần thiết để tạo ra các thay đổi tích cực cho rừng. Bằng việc cải thiện kỹ năng và kiến thức, ông Định được các tổ chức đánh giá cao qua quá trình chứng kiến sự gắn bó của ông đối với nhiều mạng  lưới về REDD+ và biến đổi khí hậu.