RECOFTC
FLOURISH

Giới thiệu Dự án FLOURISH

Giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua nỗ lực phục hồi cảnh quan rừng theo định hướng thị trường

FLOURISH là một sáng kiến 4 năm về phục hồi cảnh quan rừng (PHCQR), trong đó sử dụng các động lực thị trường kết hợp với lâm nghiệp cộng đồng nhằm thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu, phục hồi diện tích rừng bị suy thoái, đồng thời cải thiện sinh kế cộng đồng sống dựa vào rừng. Sáng kiến này do Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và An toàn hạt nhân Cộng hòa liên bang Đức (BMU) tài trợ thông qua Sáng kiến Khí hậu Quốc tế (IKI).    

Dự án FLOURISH đang được triển khai thí điểm tại ba quốc gia khu vực Mekong: Lào, Thái Lan và Việt Nam. Bài học kinh nghiệm từ các hoạt động thí điểm này sẽ góp phần cải thiện công tác phục hồi cảnh quan rừng ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và trên toàn thế giới.

Khác với nhiều sáng kiến PHCQR khác, Dự án FLOURISH vận dụng các động lực thị trường để phục hồi cảnh quan rừng. Các hoạt động thí điểm nhằm thiết lập quan hệ đối tác kinh doanh thương mại giữa cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng và doanh nghiệp để phát triển trồng rừng sản xuất, tạo ra các sản phẩm bền vững và bán ra thị trường. Cách tiếp cận của FLOURISH đảm bảo quyền lợi của cộng đồng từ phục hồi và quản lý bền vững cảnh quan rừng.

Rừng và biến đổi khí hậu 

Rừng là lá chắn bảo vệ hữu hiệu để vượt qua cuộc khủng hoảng khí hậu. Rừng được bảo vệ và phát triển tốt có chức năng hấp thụ khí gây hiệu ứng nhà kính và lưu trữ cacbon, đồng thời tăng cường khả năng chống chịu biến đổi khí hậu cho con người và động thực vật sống ở đó. Rừng giàu cũng giúp tăng năng suất nông nghiệp so với rừng bị suy thoái nhờ tăng hiệu quả thụ phấn, khả năng chống chịu dịch hại, đảm bảo dinh dưỡng và nguồn nước. Mặt khác, mất rừng và suy thoái rừng gây phát thải khí nhà kính, đẩy nhanh tốc độ biến đổi khí hậu. Rừng suy thoái và nghèo kiệt cũng dễ bị tổn thương hơn bởi cháy rừng, xói mòn đất, lũ lụt, hạn hán và các tác động khác của biến đổi khí hậu.

Mặc dù đã có các thỏa thuận quốc tế về bảo vệ và phát triển rừng, tình trạng mất rừng và suy thoái rừng vẫn đang diễn ra với tốc độ đáng báo động trên toàn thế giới, trong khi các nỗ lực phục hồi rừng chưa đạt được mục tiêu đề ra. Khoảng 30% diện tích rừng trên thế giới đã biến mất và 20% bị suy thoái. Theo Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên Hợp Quốc (FAO), chỉ riêng khu vực Đông Nam Á, diện tích mất rừng đã lên đến hơn 30 triệu ha trong giai đoạn 1990 - 2015, tương đương 11%.

Mất rừng dẫn đến mất đa dạng sinh học, mất sinh kế và mất lớp bảo vệ chống lại biến đổi khí hậu. Các cộng đồng nghèo và dễ bị tổn thương bị tác động nhiều nhất bởi thiên tai, mất an ninh lương thực và di cư. Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều phải hứng chịu các ảnh hưởng tiêu cực: thiệt hại do mất rừng gây ra trên toàn thế giới là 2–5 nghìn tỷ đô la Mỹ mỗi năm.

Phục hồi cảnh quan rừng

Các thoả thuận của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học kêu gọi các nỗ lực nhằm phục hồi diện tích rừng bị chặt phá và suy thoái. Khoảng 2 tỷ ha đất trên toàn thế giới sẽ được hưởng lợi từ các hoạt động phục hồi cảnh quan rừng. Các thoả thuận quốc tế đều nhấn mạnh lợi ích của cộng đồng địa phương trong việc phục hồi và bảo tồn cảnh quan rừng để mang lại cả lợi ích trước mắt và lâu dài: cải thiện sinh kế, phục hồi môi trường sống, hấp thụ khí gây hiệu ứng nhà kính và tăng cường khả năng chống chịu tác động của biến đổi khí hậu.

Giải pháp cho các quốc gia khu vực Mekong

Có nhiều nguyên nhân gây mất rừng và suy thoái rừng ở khu vực Mekong, trong đó có tăng trưởng nhanh về kinh tế kèm theo các hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng, khai thác tài nguyên và canh tác nông nghiệp, đặc biệt là cao su, chuối và các mô hình độc canh khác. Cách tiếp cận FLOURISH là xem xét chức năng sinh thái của cảnh quan nói chung và hài hoà các loại hình sử dụng đất trong đó. FLOURISH khuyến khích phát triển các loài cây bản địa và trồng rừng tiểu điền của người dân địa phương. Dự án thí điểm các giải pháp cụ thể cho từng cảnh quan và quốc gia cụ thể.

FLOURISH ở CHDCND Lào

CHDCND Lào mất 16.000 ha rừng mỗi năm do nạn phá rừng và suy thoái rừng. Dự án FLOURISH đang hỗ trợ ngăn chặn xu hướng này và cải thiện sinh kế người dân dọc hành lang sông Mekong vùng tây bắc Lào, rộng từ 2 đến 5 km và trải dài trên các tỉnh Bokeo và Xayaboury. Các cộng đồng ở đây hiện đang trồng tếch lấy gỗ và thu hoạch lâm sản ngoài gỗ từ tre nứa.

Ở các tỉnh này, cộng đồng thường thu hoạch gỗ tếch sớm hơn 15 đến 30 năm trước khi cây trưởng thành để có thu nhập nhanh hơn. Điều này khiến cho rừng trồng tếch không phát huy được tiềm năng hấp thụ CO2 để giảm thiểu biến đổi khí hậu, đồng thời cũng không đạt được giá trị thương mại cao nhất.

FLOURISH hiện đang làm việc với các cộng đồng được lựa chọn thực hiện dự án thí điểm để giúp họ tối đa hoá cả hai tiềm năng mà gỗ tếch có thể mang lại, thông qua cải thiện các hoạt động sản xuất và thúc đẩy quan hệ đối tác với khu vực tư nhân. Cách tiếp cận này đảm bảo cây tếch đạt được giá trị thị trường cao hơn, đồng thời tăng mức hấp thụ các bon với chu kỳ dài hơn. FLOURISH cũng đang nghiên cứu tiềm năng sử dụng sinh khối rừng để sản xuất năng lượng, đồng thời giảm nguy cơ cháy rừng.

FLOURISH ở Việt Nam 

FLOURISH đặt mục tiêu đảo ngược xu hướng mất rừng ở Việt Nam thông qua các hoạt động thí điểm với năm xã ở tỉnh Nghệ An, với các hộ gia đình được giao quản lý rừng tự nhiên và rừng sản xuất tre nứa. Nghệ An và Thanh Hóa là trung tâm của ngành công nghiệp tre nứa tại Việt Nam, có thị trường các sản phẩm tre nứa và sản phẩm gỗ ổn định. Ở Nghệ An, FLOURISH đang hỗ trợ các hộ trồng rừng tiểu điền cải thiện năng suất và thu nhập.

FLOURISH ở Thái Lan

Diện tích rừng  ở Thái Lan đã tăng lên trong những năm gần đây. Tuy nhiên, sinh khối cây đứng, một chỉ số về sức khỏe rừng, lại đang suy giảm. Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ đặt mục tiêu phục hồi  diện tích rừng trên 40% lãnh thổ Thái Lan. FLOURISH đang phối hợp với các cộng đồng ở phía bắc tỉnh Nan, vùng sản xuất gỗ chính. FLOURISH huy động sự tham gia của tất cả các bên liên quan vào hoạt động phục hồi cảnh quan, đồng thời cải thiện sản lượng gỗ và thu nhập của cộng đồng sống bằng nghề rừng.

FLOURISH hỗ trợ cộng đồng nhận thức rõ quyền đất đai của họ, áp dụng các biện pháp khai thác tác động thấp và giảm phát thải các bon trong quá trình vận chuyển gỗ bằng cách khuyến khích phát triển các cơ sở chế biến gỗ tại chỗ. Hoạt động dự án tập trung vào diện tích rừng trồng trong vùng đệm rừng đặc dụng.

Triển khai thực hiện

Tổ chức RECOFTC quản lý dự án FLOURISH với sự hỗ trợ của một số đối tác dưới đây cộng đồng địa phương, các hộ trồng rừng tiểu điền, công ty lâm nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp dựa vào cộng đồng.

  • Cục Lâm nghiệp, CHDCND Lào
  • Cục quản lý Vườn Quốc gia và Bảo tồn động thực vật hoang dã, Thái Lan
  • Tổ chức Hug Muang Nan, Thái Lan
  • Viện Lâm nghiệp và Lâm sản Quốc tế, Đại học Kỹ thuật Dresden, Đức
  • Tổ chức Mây Tre Quốc tế
  • Trường Đại học Cộng đồng Nan, Thái Lan
  • Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An, Việt Nam
  • Phòng Nông Lâm nghiệp tỉnh và huyện, CHDCND Lào
  • Cục Lâm nghiệp Hoàng gia Thái Lan

Các thỏa thuận quốc tế 

FLOURISH đóng góp vào việc đạt được mục tiêu của một số thỏa thuận và sáng kiến quốc tế.

Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC)

UNFCCC là một công ước toàn cầu nhằm ổn định nồng độ khí nhà kính ở mức độ có thể tránh gây ra tác động nguy hiểm đến khí hậu Trái đất. Công ước bao gồm Thỏa thuận Paris năm 2016, trong đó các Bên thống nhất hạn chế làm gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 2oC. Các quốc gia ký Thoả thuận Paris cam kết thực hiện bảo tồn và phát triển rừng để đạt được mục tiêu này.

Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững

Chương trình nghị sự 2030 là một khung hành động toàn cầu cho con người, hành tinh, thịnh vượng, hòa bình và quan hệ đối tác. Chương trình nghị sự này lồng ghép tất cả các khía cạnh xã hội, kinh tế và môi trường của sự phát triển bền vững, cũng như các yếu tố hòa bình, quản trị và công lý. Chương trình nghị sự bao gồm 17 mục tiêu toàn cầu hướng đến một tương lai tốt hơn và bền vững hơn cho tất cả mọi người. FLOURISH đóng góp cho nhiều mục tiêu, đặc biệt  Mục tiêu 15 Tài nguyên và môi trường trên đất liền, nhằm “quản lý rừng bền vững” và “khắc phục tình trạng suy thoái đất” thông qua các nỗ lực phục hồi và bảo tồn.

Công ước về Đa dạng sinh học 

Công ước về Đa dạng sinh học là công cụ pháp lý quốc tế để bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng bền vững các  thành  phần của Đa dạng sinh học, đồng thời chia sẻ một cách công bằng và bình đẳng các lợi ích từ khai thác nguồn gen. 

Thách thức Bonn và Tuyên bố New York về rừng

Thách thức Bonn là một nỗ lực toàn cầu để phục hồi 150 triệu ha đất bị mất rừng và suy thoái trên toàn thế giới vào năm 2020 và tăng lên 350 triệu ha vào năm 2030. Thách thức này được đề xuất vào năm 2011 bởi Chính phủ Đức và IUCN. Mục tiêu này được thông qua trong Tuyên bố New York về Rừng tại Hội nghị thượng đỉnh về Khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2014. Các nỗ lực phục hồi cảnh quan rừng sẽ đóng góp cho Thách thức Bonn trong việc khôi phục tính toàn vẹn về mặt sinh thái, đồng thời cải thiện đời sống người dân thông qua cảnh quan đa chức năng của rừng.

REDD+

REDD+ là sáng kiến giảm phát thải khí nhà kính thông qua các nỗ lực giảm mất rừng và suy thoái rừng, bảo tồn, quản lý rừng bền vững và tăng cường trữ lượng cacbon rừng ở các nước đang phát triển.

Vui lòng gửi email đến địa chỉ info@recoftc.org  để biết thêm thông tin chi tiết.